Search

Loading

2009-12-16

Lịch sử hãng Audi


Giới thiệu chung



Audi là hãng sản xuất ô tô do ông August Horch, người Đức, thành lập năm 1899. Chiếc ô tô Horch đầu tiên được sản xuất năm 1901 tại Zwickau. Năm 1910, ông Horch bị trục xuất khỏi công ty do chính ông thành lập. Sau đó, ông mở một công ty mới và tiếp tục sản xuất xe dưới nhãn hiệu Horch. Công ty cũ đã kiện ông vì vi phạm thương hiệu và một phiên toà ở Đức đã phán quyết thương hiệu Horch thuộc về công ty cũ. August Horch buộc phải ngừng sử dụng tên họ của ông cho những chiếc xe do công ty mới sản xuất. Vì từ “horch” trong tiếng Đức nghĩa là “nghe” nên August Horch đã lấy một từ tương đương với nghĩa đó trong tiếng Latin để đặt tên cho công ty mới của ông, đó là “audi”. Nhiều người lại cho rằng Audi là từ viết tắt của "Auto Union Deutschland Ingolstadt". Ngày nay, Audi sản xuất khoảng hai triệu xe mỗi năm tại khu nhà máy chính ở Ingolstadt. Audi cũng có một nhà máy sản xuất khác ở Neckarsulm.



August Horch (1868-1951)
Audi khởi đầu với model 2.6L, sau đó là model 4 xi lanh 3.6L và hai model 4.7L và 5.7L. Những chiếc xe này đã rất thành công, thậm chí là trong cả các sự kiện thể thao. August Horch rời công ty Audi năm 1920. Model 6 xi lanh 4.7L xuất hiện năm 1924. Năm 1928, JS Rasmussen, chủ sở hữu DKW, đã mua lại Audi và một hãng ô tô của Mỹ là Rickenbacker cùng với trang thiết bị để sản xuất động cơ 8 xi lanh của hãng này. Loại động cơ này đã được sử dụng trên hai model Audi Zwickau và Audi Dresden ra mắt năm 1929. Cùng thời gian đó, model 6 xi lanh và một model 4 xi lanh (do Peugeot thiết kế) cũng được sản xuất. Xe Audi vào thời kỳ này là xe hạng sang với thân xe được thiết kế đặc biệt.

Hiệp hội sản xuất ô tô


44 chiếc Audi xếp thành hình logo, kỷ niệm con số 15 triệu xe bán ra trong 40 năm, 1975-2004



Năm 1932, Audi sáp nhập với Horch, DKW và Wanderer thành Hiệp hội Ô tô - Auto Union. Trước Đại chiến II, Auto Union đã sử dụng 4 vòng tròn nối với nhau (logo của Audi ngày nay) để biểu tượng cho 4 hãng xe. Tuy nhiên, vào thời đó, biểu tượng này chỉ được sử dụng trên xe đua của Auto Union còn các công ty thành viên thì vẫn sử dụng tên và biểu tượng riêng. Phát triển công nghệ ngày càng được quan tâm và một số model của Audi đã sử dụng động cơ do Horch hay Wanderer thiết kế. Trong suốt Đại chiến II, Horch đã sản xuất ô tô bọc thép Sd-Kfz 222 để phục vụ cho quân đội Đức. Chiếc xe này sử dụng động cơ V8 81hp của Horch với tốc độ tối đa là 82Km/h.
Một loại xe nữa cũng được các quan chức quân đội Đức sử dụng là KFZ 11 hay Type 80 của Horch. Quân đội đã sử dụng loại xe này như xe vận tải nhẹ.

Sự khởi đầu mới



Nhiều nhà máy của Auto Union bị bom tàn phá nặng nề trong suốt Đại chiến II. Sau chiến tranh, Zwickau đã thuộc về Cộng Hoà Dân Chủ Đức và trụ sở của Auto Union được chuyển đến Ingolstadt năm 1949. Trong thời kỳ này, biểu tượng 4 vòng tròn nối với nhau được sử dụng cùng với biểu tượng của DKW. Auto Union đã rất nỗ lực phát triển nhãn hiệu DKW, nhưng động cơ 2 kỳ của nhãn hiệu này lại không được ưa chuộng. Năm 1958, Daimler-Benz mua lại 88% cổ phần của Auto Union và năm sau thì chính thức trở thành chủ sở hữu duy nhất của Auto Union. Daimler-Benz đã phát triển chiếc sedan 4 cửa công suất 72hp, động cơ 4 thì hiện đại, dẫn động bánh trước. Model này (sau này được biết với tên Audi 72) xuất hiện tháng 9/1965, đánh dấu sự tái xuất của nhãn hiệu Audi. Năm 1964, Daimler-Benz đã bán lại Auto Union cho Volkswagen, nhờ vụ mua bán này mà VW đã trở thành chuyên gia về sản xuất xe làm mát bằng nước. Từ 23/12/2005, VW đã không còn sử dụng động cơ làm mát bằng khí cho ô tô nữa.

Năm 1969, Audi sáp nhập với NSU, có trụ sở tại Neckarsulm, gần Stuttgart. Những năm 50, NSU đã là nhà sản xuất xe môtô lớn nhất thế giới nhưng đã chuyển sang sản xuất xe nhỏ như NSU Prinz (phiên bản TT và TTS hiện nay vẫn là những xe đua cổ điển rất được yêu thích). Sau đó, NSU đã tập trung phát triển động cơ quay mới theo ý tưởng của Felix Wankel. Năm 1967, NSU 80 đời mới đã là một chiếc xe tiên tiến với các chi tiết công nghệ đi trước thời đại như khí động lực học, trọng lượng nhẹ và độ an toàn cao, nhưng những rắc rối nảy sinh với động cơ quay đã chấm dứt sự độc lập của NSU. Hiện nay, nhiều dòng xe của Audi vẫn được sản xuất tại Neckarsulm.




NSU Prinz 1 (1959)
NSU đã nỗ lực phát triển xe hạng trung K70 với dự định chen vào giữa model Prinz động cơ lắp sau và model tương lai Ro 80. Tuy nhiên, Volkswagen đã mua lại K70, chấm dứt nhãn hiệu NSU.
Chiếc Audi đầu tiên của thời đại mới là chiếc Audi 100 ra đời năm 1968. Tiếp theo là chiếc Audi 80/Fox ra mắt vào năm 1972 (thiết kế trên cơ sở chiếc Volkswagen Passat 1973) và Audi 50, năm 1974 (sau này được dán nhãn Volkswagen Polo).


Audi 100 (1968)
Hình ảnh của Audi vào thời kỳ này vẫn còn bảo thủ, vì thế, kiến nghị của kỹ sư Jorg Bensinger về phát triển công nghệ dẫn động 4 bánh của chiếc Iltis cho một chiếc xe đua Audi công suất cao đã được chấp nhận. Chiếc xe này được đặt tên là Quattro, đây là một chiếc coupe động cơ turbo, đồng thời là xe sản xuất loại lớn đầu tiên sử dụng hệ dẫn động AWD thông qua một bộ truyền động vi sai trung tâm (không tính đến chiếc Jensen FF sản xuất trước đó với số lượng nhỏ). Chiếc xe này còn được biết đến với cái tên “Ur-Quattro” (tiền tố “Ur-” trong tiếng Đức có nghĩa là “gốc” và được áp dụng cho thế hệ sedan S4 và S6 đầu tiên “UrS4” và UrS6”), model này được sản xuất rất ít (vì được thiết hế hoàn toàn thủ công) nhưng lại rất thành công khi tham gia đua xe. Những thắng lợi vượt trội đã chứng minh khả năng thành công của xe đua AWD và cái tên Audi đã gắn liền với những công nghệ tiên tiến trong ngành ô tô.



Năm 1986, vì Audi 80 bắt đầu phát triển hình ảnh “xe ông nội” nên loại 89 đã được giới thiệu. Loại xe hoàn toàn mới này bán rất chạy. Tuy nhiên, nội thất đa chức năng và hiện đại của nó lại hoàn toàn trái ngược với động cơ công suất thấp và gói phụ kiện đi kèm hơi khiêm tốn ( thậm chí gương bên ghế hành khách cũng là thiết bị tuỳ chọn). Năm 1987, Audi giới thiệu chiếc Audi 90 mới rất thanh lịch, từ đó, doanh số bán dòng xe Audi 80 bắt đầu giảm sút và một số vấn để thiết kế cơ bản bắt đầu nảy sinh.
Audi 90 Quattro 20V


Doanh số tại Mỹ lại càng giảm mạnh vì tạp chí truyền hình 60 Minutes đã chứng tỏ rằng, xe của Audi có tình trạng “tăng tốc không chủ định”. Tạp chí này đã dựa trên các báo cáo tiêu dùng về sự gia tốc của ô tô khi nhấn phanh. Các nhà điều tra độc lập đã đưa ra kết luận rằng điều này có thể là do bàn đạp phanh và chân ga đặt quá gần nhau (khác với ô tô của Mỹ), và do không phân biệt được hai vị trí này nếu không chú ý. (Trong các xe đua, khi về số lúc phanh mạnh, chân ga phải được sử dụng để phù hợp với vòng quay của máy, vì vậy bàn đạp phanh và chân ga phải đặt gần nhau để chân phải điều khiển cùng một lúc, mũi chân trên bàn đạp phanh và gót chân trên bàn đạp ga. Đây không phải là vấn đề ở thị trường châu Âu vì có thể các lái xe tại đây đã có kinh nghiệm sử dụng hộp số tay).



Tờ 60 Minutes đã không để ý đến thực tế này và dựng nên hình ảnh một chiếc xe vận hành không kiểm soát. Bài báo đã đánh một đòn chí mạng vào doanh số của Audi và Audi đã phải đổi tên model bị ảnh hưởng (chiếc 5000 đã đổi thành 100/200 năm 1989 khi chuyển sang các thị trường khác). Audi đã dự tính rút khỏi thị trường Mỹ cho đến khi doanh số bắt đầu khôi phục giữa những năm 90. Doanh số chiếc A4 mới năm 1996 đã tạo bước ngoặt đối với Audi cùng các dòng xe A4/6/8 được phát triển cùng với VW và các nhãn hiệu anh em khác (vẫn được gọi là “cơ sở”).


Hiện nay, doanh số của Audi đang tăng mạnh tại thị trường châu Âu và hãng này vẫn nổi tiếng có chất lượng sản xuất tốt nhất trong số các hãng ô tô lớn trên thế giới. Năm 2004 đánh dấu doanh số tăng liên tục mười một năm, và đạt tổng doanh số 779,441 chiếc trên toàn thế giới. Con số kỷ lục này được ghi lại từ 21 trong khoảng 50 thị trường chủ yếu của Audi. Doanh số tăng nhiều nhất ở châu Âu (19.3%), châu Phi (17.2%) và Trung Đông (58,5%). Tháng 3/2005, Audi hợp tác với hai nhà phân phối đầu tiên tại Ấn Độ, sau đó doanh số đã tăng cao tại khu vực này.


Audi gần đây đã bắt đầu giới thiệu hệ thống điều khiển bằng máy tính gọi là MMI (MultiMedia Interface). Hệ thống này đã được bình phẩm cùng với hệ thống điều khiển iDrive của BMW, đặc biệt là nút vặn điều khiển được thiết kế để điều khiển đài, định vị vệ tinh, TV, sưởi ấm và điều khiển xe bằng màn hình.


Hệ thống MMI được cho là tốt hơn rất nhiều vì nó có nhiều nút bấm quanh nút vặn ở trung tâm cho phép người dùng điều khiển đài, TV, Nav, điện thoại, xe … nhanh hơn. Màn hình màu hoặc đơn sắc được lắp ngay trên đồng hồ đo tốc độ còn hệ thống điều khiển trên A6 và A8 thì được lắp ngang. Tuy nhiên, MMI cũng được lắp trên A3 và A4 thay cho hệ thống cũ và điều khiển hệ thống sưởi của hai model này được thiết kế lại ở vị trí khác.

Tham gia các giải đua xe




Audi R10
Audi đã tham gia tranh tài (và đôi lúc vượt trội) trong nhiều loại hình đua xe. Truyền thống xe đua của Audi bắt nguồn từ Hiệp Hội Ô tô những năm 30. Vào những năm 90, Audi đã nổi bật trong các giải đua Touring và Super Touring sau thành công trên vòng đua Stateside.

Năm 1990, sau khi hoàn thành mục tiêu quảng bá xe tại Mỹ, Audi quay trở lại châu Âu và hướng tới giải vô địch đua xe của Đức (DTM) với chiếc A8, sau đó vào năm 1993, không muốn thiết kế xe theo công thức mới, họ đã chuyển sang loại xe Supertouring đang phát triển mạnh trên cả nước, loại xe này có mặt lần đầu tiên tại các giải đua xe French Supertourisme and Italian Superturismo. Năm 1994, Audi tham gia giải đua STW của Đức và năm 1995 thì có mặt trong giải Vô địch đua xe của Anh (BTCC).


Liên đoàn ô tô quốc tế FIA đã cấm xe 4WD tham gia đua xe năm 1998 vì khó điều chỉnh hệ thống Quattro và gây tác động đến người điều khiển.
Năm 2000, Audi vẫn tham gia tranh tài tại Mỹ bằng chiếc RS4 và đội Champion Racing trong giải SCCA Speed World GT Challenge cùng các đối thủ như Corvette, Viper, và BMW (đây là một trong số ít cuộc đua chấp nhận xe 4WD). Năm 2003, Champion Racing sử dụng chiếc RS6. Một lần nữa, Quattro lại vượt trội và Audi đã giành giải vô địch. Năm 2004, Audi lại tham gia thi đấu để bảo vệ danh hiệu nhưng Cadillac với chiếc Omega Chassis CTS-V đã giành chiến thắng. Sau bốn năm vô địch liên tục, RS4 và RS6 đã có nhiều thay đổi ảnh hưởng lớn đến công suất, cụ thể là sử dụng loại lốp xe khác và bỏ áp suất nhồi turbo.


Công nghệ


Động cơ FSI của Audi
Audi sản xuất thân xe mạ kẽm 100% để chống ăn mòn. Cùng với các biện pháp đề phòng khác, toàn bộ thân xe được mạ kẽm đã có khả năng chống mòn và chống rỉ rất hiệu quả. Độ bền của thân xe đã vượt quá cả mong đợi của chính Audi, khiến hãng này đã tăng thời hạn bảo hành chống ăn mòn từ 10 năm lên 12 năm. Audi cũng đã đề ra ý tưởng sản xuất xe hoàn toàn bằng nhôm, và năm 1994, chiếc Audi A8 đã ra mắt giới thiệu công nghệ khung xe bằng nhôm. Audi đã giới thiệu một dòng xe mới giữa những năm 90 và vẫn tiếp tục theo đuổi việc phát triển xe công suất cao và những công nghệ hiện đại nhất.
Chiếc concept có thân xe bằng nhôm đã được mở rộng phát triển thành một loại xe sub-compact mới, đó là chiếc Audi A2 được giới thiệu năm 2001. Tuy nhiên, chiếc xe này đã bị ngừng sản xuất vào cuối năm 2005 vì chi phí sản xuất xe khung nhôm loại nhỏ quá cao, không thu hút được nhiều khách hàng tìm mua xe hạng sang loại nhỏ. Thân xe bằng nhôm phù hợp hơn với những model lớn hơn như chiếc A8 với ca bin lớn.


2001 Audi A2
Trong tất cả các loại xe ra đời trước thời kỳ thuộc về Volkswagen, Audi đã kiên quyết không sử dụng hệ dẫn động bánh sau truyền thống giống như hai đối thủ lớn là Mercedes-Benz and BMW, mà sử dụng hệ dẫn động bánh trước hoặc bốn bánh. Để đạt được điều này, Audi thường thiết kế xe với động cơ lắp theo chiều dọc ở vị trí “treo” trên bánh trước – hay còn gọi là kiểu “U-drive”. Mặc dù cách thiết kế này tạo các trục lái dài bằng nhau do vậy cân bằng được lực truyền đến các bánh xe và dễ dàng sử dụng hệ dẫn động AWD nhưng nó lại đi ngược lại khả năng phân phối trọng lượng lý tưởng 50/50. Do đó, hầu hết mọi người đều tin rằng BMW vẫn có lợi thế hơn Audi về phát triển động lực học cho đến khi chiếc RS4 siêu nhanh xuất hiện năm 2005. Chiếc xe này đã bán chạy hơn chiếc xe mang nhãn hiệu M của BMW và chiếc AMG của Mercedes-Benz. RS4 được lắp động cơ V8 4.2 L 414bhp, tăng tốc từ 0 đến 100 Km/h trong 5 giây, và đạt tốc độ tối đa 254Km/h.
Những năm 70, một số nhà sản xuất ô tô, trong đó có Audi (và Subaru) đã thiết kế riêng hệ thống AWD dành cho xe passenger. Thập kỷ 80, hệ thống AWD trên ô tô đã trở thành sở thích kỳ cục, và các hãng xe khác như Porsche và Mercedes-Benz cũng sử dụng hệ thống này để cạnh tranh trên thị trường. Không may, hệ thống này lại nảy sinh những rắc rối khi thiết kế trên những chiếc xe của Mercedes-Benz. Đối với xe Porsche thì hệ thống này cũng không được ưa chuộng vì khách hàng vẫn muốn sở hữu hệ dẫn động RWD truyền thống mà họ đã quen sử dụng ở xe cũ. Mặc dù Porsche và Mercedes-Benz đều có một số xe con và xe tải sử dụng hệ dẫn động AWD nhưng cả hai hãng xe này đều không nổi tiếng về công nghệ này như Audi. Hiện nay, sau hơn 25 năm dẫn đầu về công nghệ và kỹ thuật, cái tên Quattro đã trở thành biểu tượng và nhãn hiệu mà các đối thủ cạnh tranh đặt làm mục tiêu để nỗ lực cạnh tranh với Audi. Đáng tiếc là gần đây Audi đã áp dụng nhãn hiệu “quattro” cho các model A3 và TT nhưng những model này lại không thực sự sử dụng hệ dẫn động 4 bánh quattro, Synchro của VW đã thay đổi hệ thống này.


Audi A3
Audi TT


Những năm 80, Audi đã trở thành nhà vô địch về động cơ 5 xi lanh thẳng hàng 2.1/2.2L, một lựa chọn bền hơn thay thế cho động cơ 6 xi lanh truyền thống. Động cơ này không chỉ được sử dụng trên các loại xe sản xuất mà còn được dùng trên xe đua. Động cơ 5 xi lanh thẳng hàng 2.1L đã được sử dụng làm cơ sở cho xe đua trong thập niên 80, cho công suất 400hp sau khi sửa đổi. Trước năm 1990, có nhiều loại động cơ được sản xuất để thay thế động cơ 2.1L và 2.2L. Loại động cơ này có công suất cao và tiết kiệm nhiên liệu (đây là mối quan tâm hàng đầu của lái xe những năm 80).
Đầu những năm 90, Audi đã bắt đầu hướng gần hơn đến vị trí là đối thủ cạnh tranh thực sự của Mercedes-Benz và BMW trên những thị trường mục tiêu của hãng và năm 1990, Audi đã tung ra chiếc Audi V8. Về cơ bản, nó là một động cơ mới phù hợp với chiếc Audi 100/200, nhưng có sự khác biệt rõ ràng về thân xe. Khác biệt rõ nét nhất là lưới tản nhiệt mới không hài hoà với nắp capo.
Năm 1991, Audi đã sản xuất Audi 80 động cơ 4 xi lanh, Audi 90 và Audi 100 5 xi lanh, Audi 200 động cơ turbo và Audi V8. Ngoài ra còn có phiên bản coupe của hai chiếc 80 và 90 với hai động cơ 4 và 5 xi lanh.
Mặc dù động cơ 5 xi lanh cho công suất cao nhưng nó vẫn hơi khác biệt đối với thị trường mục tiêu. Audi đã giới thiệu động cơ V6 2.8L trên chiếc Audi 100 mới ra mắt năm 1992. Động cơ này cũng phù hợp với chiếc Audi 80 được đổi mới ( tất cả các model 80 và 90 hiện nay đều mang nhãn hiệu 80 ngoại trừ thị trường Mỹ), khách hàng có thể lựa chọn model 80 với động cơ 4,5 và 6 xi lanh và thân xe kiểu cabriolet coupe và sadan.
Động cơ 5 xi lanh đã nhanh chóng bị loại bỏ nhưng phiên bản động cơ turbo 230hp vẫn được ưa chuộng. Động cơ này ban đầu được lắp vào chiếc 20V quattro 200 năm 1991, sau đó được cải tiến cho chiếc Sport Quattro. Động cơ này còn được lắp trên xe Coupe Audi và được đặt tên là S2, và trên chiếc Audi 100 với cái tên S4. Hai model này đã mở đầu việc sản xuất hàng loạt xe dòng S công suất cao.

Năm 1994, Audi A8 đã thay thế cho V8 với khung xe bằng nhôm (ASF) hoàn toàn mới để giảm trọng lượng. Hệ thống AWD quattro đã bù lại cho phần trọng lượng bị giảm. Điều này có nghĩa là chiếc xe có công suất tương đương với các đối thủ nhưng vận hành lại vượt trội hơn nhiều.
Sự thay đổi tiếp theo là năm 1995 khi Audi A4 thay thế cho Audi 80. Kiểu đặt tên mới được áp dụng cả cho chiếc Audi 100 thành Audi A6 (với một thay đổi nhỏ). Điều này cũng có nghĩa là động cơ S4 trở thành S6 và động cơ S4 mới được sử dụng trên chiếc A4. Động cơ S2 thì bị ngừng sản xuất. Chiếc Audi Cabriolet, thiết kế trên cơ sở của chiếc Audi 80, vẫn tiếp thục được sản xuất cho đến năm 1999 cùng với các động cơ được nâng cấp trong suốt thời gian đó. Model hatchback A3 mới (có cùng cơ sở với Volkswagen Golf Mk.4) được giới thiệu năm 1996, roadster và coupe TT xuất hiện năm 1998 với cùng cơ sở. Một model thú vị khác là Audi A2 đã trở thành đối thủ cạnh tranh của Mercedes-Benz A-Class. Model A2 này được bán tương đối chạy tại châu Âu, tuy nhiên chiếc xe này đã bị ngừng sản xuất năm 2005 và Audi đã quyết định không phát triển ngay một chiếc xe khác để thay thế.
Động cơ cho dòng xe này bao gồm động cơ 4 xi lanh 1.4L, 1.6L và 1.8L, động cơ turbo 4 xi lanh 1.8L, động cơ V6 2.6L và 2.8L, động cơ turbo 5 xi lanh 2.2L và động cơ V8 4.2L. Năm 1998, động cơ V6 2.6L và 2.8L đã được thay bằng V6 30V 2.4L và 2.8L đem lại sự cải thiện rõ rệt về công suất, lực moment xoắn và độ êm. Sau này, các động cơ V8 3.7L và W12 6.0L cũng được thêm vào dòng xe này và được sử dụng cho chiếc A8.

Audi A8


Năm 2000, Audi đã giới thiệu hộp số chuyển trực tiếp, đây là loại hộp số vận hành giống hộp số tự động. Hệ thống này bao gồm hai khớp ly hợp điều khiển bằng thuỷ lực điện tử thay vì bộ phận chuyển momen. Hộp số này được sử dụng trên các model Volkswagen Golf, Audi A3 và TT. Audi cũng vẫn tiếp tục cải tiến động cơ, với động cơ V6 turbo kép 2.7L cho Audi S4, S6, động cơ V6 2.8L được thay bằng động cơ 3.0L.
Năm 2001, Audi tung ra phiên bản công suất cao của chiếc A8 và đặt tên là S8, sở hữu động cơ V8 4.2L 360 hp.
Phiên bản mới của A3, A4, A6 và A8 cũng được giới thiệu với động cơ mới FSI (Phun nhiên liệu phân tầng) thay cho động cơ 1.8L. Gần như toàn bộ xe trong dòng này đều kết hợp được với công nghệ tiết kiệm nhiên liệu, bao gồm; động cơ 4 xi lanh 1.6L 115bhp, 4 xi lanh 2.0L 150bhp, 4 xi lanh 2.0L 200bhp, 4 xi lanh 2.0L 220bhp, V6 3.2L 250-260bhp, V8 4.2L 350bhp, V8 4.2L 414bhp, V10 5.2L 450bhp.
Audi A6
Các loại động cơ khác được bán và trang bị trên các sản phẩm mang nhãn hiệu Audi bao gồm: Động cơ 4 xi lanh 1.6L 102bhp, Tdi 1.9L 105 bhp, Tdi 2.0L 140bhp, Tdi 2.0L 170bhp, Tdi 2.7L 180bhp, Tdi 3.0L 233bhp, Tdi 4.2L 326bhp. Tất cả các động cơ Tdi đều là động cơ diesel.
Là thành viên của VW, công nghệ mới thường được giới thiệu đầu tiên trên các xe Audi trước khi sử dụng cho các nhãn hiệu khác như VW, SEAT, và Škoda. Điển hình là các động cơ FSI đã nhắc đến ở trên cũng như hộp số tự động DSG chuyển số nhanh.
Công nghệ TSI đã được giới thiệu trên chiếc Volkswagen Golf đầu năm 2006. Các động cơ turbo hoặc siêu nạp này có dung tích thấp nhất là 1.4L, cho công suất cao, mức khí xả CO2 thấp và tiết kiệm nhiên liệu đáng kể so với loại không turbo hay không siêu nạp như 2.0L. Động cơ TSI trên chiếc Golf cho công suất khoảng 140hp đến 170hp. Động cơ này rất được ưa chuộng tại Anh và sẽ sớm được sử dụng cho xe Audi A3 và A4 cũng như các model của SEAT và Skoda.


Nguồn: Netxe.vn
(Theo Caronline.com.vn)