Search

Loading

2010-03-25

Lịch sử hãng Daihatsu


Giới thiệu chung
Daihatsu Motor Co., Ltd. là hãng ôtô Nhật Bản chuyên sản xuất loại xe cỡ nhỏ và xe địa hình, có mặt tại hơn 120 quốc gia trên thế giới. Daihatsu là hãng ôtô đầu tiên nhận ra nhu cầu đối với loại xe vận chuyển cỡ nhỏ 3 và 4 bánh trong thời kì hậu chiến. Vì vậy trong thập niên 50, công ty đã giới thiệu loại xe mini Midget rất thành công (được bán tại Mỹ với tên gọi Trimobile). Có trong tay 33,4% cổ phần của Daihatsu, Toyota nắm toàn quyền phủ quyết trong công ty và ¼ model được bán dưới tên thương hiệu Toyota. Dù bị đánh bật khỏi thị trường Mỹ vào năm 1992, Daihatsu vẫn là một đối thủ đáng gờm trong phân khúc xe cỡ nhỏ và xe điện.

1959 Daihatsu Midget
Lịch sử phát triển

Daihatsu ra đời từ năm 1907 với tên gọi Hatsudoki Seizo Co., Ltd., do một nhóm các giáo sư trường Đại học Osaka sáng lập.  Đến năm 1951, hãng mới có tên là Daihatsu Motor Co., Ltd. “Daihatsu” là sự kết hợp giữa chữ kanji đầu tiên của từ Osaka và “engine manufacture”; khi đặt cạnh nhau chúng được phát âm là “dai hatsu”.
Trong những năm 50, các nhà sản xuất ôtô Nhật bản đã kí hợp đồng kĩ thuật với các hãng Châu Âu nhằm cải tiến công nghệ chế tạo xe hơi. Lúc này chính phủ Nhật bắt đầu thực hiện chính sách hỗ trợ và bảo hộ ngành công nghiệp ôtô trong nước bằng cách đánh thuế xe nhập khẩu. Giữa thập niên 50, thông qua bản điều tra thị trường, Daihatsu nhận định nhu cầu thời bấy giờ là những chiếc xe tải chất lượng cao, nhẹ và có 3 bánh. Ngay sau đó, năm 1957, Daihatsu đã tung ra thị trường loại xe mini Midget và chỉ trong 1 năm hãng đã bán được 80.000 xe Midget tại Nhật. Thời hoàng kim của dòng xe cỡ nhỏ đã đến.

 1957 Daihatsu Midget

Năm 1959, Midget được giới thiệu tại Mỹ với tên gọi Trimobile. Được coi là một hiện tượng của ngành ôtô trong và ngoài nước, Daihatsu tiếp tục mở rộng thị trường và không ngừng cho ra đời các dòng xe mới như xe tải 4 bánh hạng nhẹ Hijet (1961), Compagno Van (1963) và xe khách 4 bánh Compagno Berlina (1964). Giữa thập niên 60, ngành công nghiệp ôtô Nhật bản đã trải qua cuộc biến đổi quan trọng trong lịch sử ngành: sự sáp nhập giữa các công ty ôtô lớn. Toyota liên doanh với daihatsu và Hino trong khi Nissan sáp nhập với các hãng ôtô khác của Nhật. Kết quả là hai tập đoàn ôtô lớn này đã kiểm soát trên 60% thị trường ôtô Nhật.

  Daihatsu Hijet

Thập niên 60 và 70 đánh dấu thời kì cực thịnh của loại xe cỡ nhỏ. Trong xu thế đó Daihatsu cũng cho ra đời vài model xe khách cỡ nhỏ như Fellow (1966), Charmant (1974) và nổi tiếng hơn cả là Charade (1977) đã giành chiến thắng tại giải “Xe của năm” vào năm 1978 và nhiều giải thưởng khác sau đó. Năm 1980, Daihatsu đã giới thiệu Mire,  model xe mini rất thành công của hãng.

 1989 Daihatsu Charade

Thị trường xuất khẩu Châu Âu và Châu Á chính là phao cứu sinh của Daihatsu trong suốt thập niên 80. Năm 1979, hãng đã thành lập văn phòng chi nhánh tại Thụy Điển. Đến năm 1984, những chiếc xe nhãn hiệu Daihatsu đã đặt chân đến Đài Loan và Trung Quốc đại lục. Hãng có văn phòng bán hàng tại các nước: Australia, Indonesia, Malaysia và Hong Kong. Để đạt được hiệu suất lớn hơn, Daihatsu đã chọn Indonesia là nhà cung cấp phụ tùng chính của hãng tại thị trường Nam Á. Tại Thái Lan, doanh số bán của dòng xe bán tải cỡ nhỏ Mira chiếm 50% thị trường vào năm 1990. Sau sự kiện CNXH Đông Âu sụp đổ và thống nhất nước Đức, Daihatsu đã thành lập văn phòng đại diện tại Ba Lan và mở chi nhánh Daihatsu Deutschland GmbH tại Đức.

 Daihatsu Mira

Trong thập niên 80, “3 ông lớn” của ngành công nghiệp ôtô Mỹ đã bị các hãng ôtô Nhật Bản đe doạ khi các hãng này đang ồ ạt vào thị trường Mỹ. Năm 1986, với hy vọng thâm nhập thị trường Mỹ bằng dòng xe cỡ nhỏ và tiết kiệm nhiên liệu, Daihatsu đã thành lập một chi nhánh mới, Daihatsu America, Inc., đặt trụ sở tại California. Tại đây, Daihatsu đã giới thiệu model Charade và Rocky. Mặc dù có nhiều kinh nghiệm trong ngành công nghiệp ôtô và đã đạt được nhiều thành công trên thế giới nhưng Daihatsu đã gặp thất bại tại thị trường Mỹ. Đến năm 1992, Daihatsu rút khỏi thị trường Mỹ.
 Daihatsu Rocky

Sau thất bại tại Mỹ, Daihatsu vạch ra 2 chiến lược: phát triển công nghệ ôtô mới và thâm nhập vào các thị trường mới nổi. Những sự kiện xảy ra có liên quan đến môi trường toàn cầu như báo trước một tương lai tốt đẹp sẽ đến với Daihatsu. Vì vậy hãng đã không sản xuất loại xe thải ra khí CFC (chlorofluorocarbons ) gây hại đến môi trường mà tập trung vào nghiên cứu và phát triển cái được gọi là xe của tương lai – ôtô điện.
Theo báo cáo ngày 31/3/2005, Toyota đã rút Daihatsu khỏi thị trường Australia sau khi doanh số bán tại thị trường này bị giảm nặng nề. Hoạt động của hãng tại Chile, thị trường mà Daihatsu được xem là một thương hiệu nổi tiếng từ những năm 70 với model Charade hay Cuore cũng bị đe doạ do doanh số rất thấp trong 2 năm liền (2004-2005). Tuy nhiên, Toyota cũng đã tuyên bố sẽ vẫn tiếp tục kiên trì với thị trường Chile.

Nguồn: Netxe.vn
(Theo wikipedia.com và answer.com)